SỢI THỪNG VÀ DÒNG SÔNG

  

 

Chìm đắm sâu xa trong buổi thiền của mình, tôi miệt mài tới độ tâm thần rời ra ngoài xác thân.
Và tôi thấy mình được mang tới cảnh vườn ở nơi rất xa chỗ tôi cư ngụ.Tuy nhiên khu vườn ấy quen thuộc đối với tôi cũng như gương mặt của những ai thong thả bước đi trong đó, trò chuyện thân ái với nhau, bởi khi trước tôi đã tới vườn này vài bận.Tôi đứng dưới cành lá tỏa rộng của một cây tuyết tùng lớn, nhìn ngắm, chờ đợi, biết rằng tôi đến nơi linh thánh này hẳn phải có mục đích nào đó.
Và rồi dọc theo một trong những con đường hướng đến tôi, Đấng Cao Cả mà tôi luôn mong ước được phụng sự Ngài, tiến lại. Khi Ngài tới gần, tôi thấy quáng mắt vì hào quang chói lọi của Ngài, đầy mầu sắc xinh đẹp tột mức chen lẫn mầu vàng óng.
Và Ngài ôm tôi rồi nói: “Hỡi con, con có muốn phụng sự ta lần nữa như con đã phụng sự ta trong quá khứ chăng ?”(Trong một kiếp xưa Cyril Scott là nhà thần bí Thiên Chúa giáo lúc khởi thủy của tôn giáo này, và ở kiếp ấy ông đã phục vụ cho Chân Sư Jesus.)
Và tôi trả lời: “Con rất vui lòng làm thế, mà nó có nằm trong khả năng của con ?”
Và Ngài mỉm cười rồi nói.
Ta sẽ kể một dụ ngôn. Hãy biết rằng khi xưa có hai nước, một nước là vùng đất mà sữa và mật chẩy tràn, còn vùng kia là nơi khô hạn, đầy tranh chấp và rối ren nên một nơi được gọi là Đất Lành và nơi kia là Đất Khổ. Giữa hai đất nước này là một dòng sông chẩy xiết, rộng và hiểm nguy; nhiều người tìm cách vượt qua sông đã bị mất mạng.
Ngày kia có một người đến, vì lòng thương yêu nhân loại, họ nói:
– Xem nào, ta sẽ nỗ lực đặt một sợi dây thừng từ bờ này sang bờ kia, và dù có mất mạng khi làm vậy cũng chẳng hề chi, bởi người khác có thể nhờ đó mà băng qua con sông được an toàn.
Nói xong  người ấy tiến hành việc thực hiện kế hoạch của mình; ông cột một đầu sợi thừng vào một cây và thắt vòng thòng lọng ở đầu kia, rồi đâm bổ xuống dòng nước vật lộn với bao lượn sóng.
Nhưng trong lúc ông vùng vẫy giữa sông nước, có mấy người thợ săn tới bờ sông bắn tên vào người khiến ông bị thương vong mạng; vì giữa cảnh nước bắn tung tóe văng khắp nơi họ tưởng ông là một con thú mà không phải là một con người.
Dầu vậy, với cố gắng lớn lao cuối cùng, ông tìm cách ném đầu dây có thòng lọng vào một gốc cây, còn mình chìm sâu xuống làn nước sau đó, và do vậy làm tròn được dự tính của ông cho dù mất mạng vì những người thợ săn và óc thiếu phân biện của họ.Nay khi dân chúng thấy chuyện xẩy ra, họ bắt đầu tôn thờ ông như là một anh hùng, bảo ông đã thiệt mạng để cứu họ và như thế, xứng đáng được họ ca ngợi, thương yêu.
Và rồi tuy họ tôn thờ ông, chỉ có rất ít người tìm cách băng qua sông vì họ nói trong lòng:
– Dù sợi thừng có đó và ta không thể chết đuối nếu bám vào dây, nhưng nước sông lạnh mà lòng sông rộng, và việc băng qua sông khó khăn quá đỗi.
Thế nên theo với thời gian, sợi dây thừng gần như bị quên bẵng đi, bởi không được sử dụng nó bị rong rêu bám đầy, nằm lẫn với củi mục của cây khô tới nỗi trông  gần như không phải là sợi dây chi cả.
Tuy vậy việc tôn thờ người anh hùng đó cứ tiếp tục, và con người ca hát bài tán tụng công đức của ông, và cầu nguyện với ông vì tình thương to tát của ông đối với họ.
Rồi thế hệ thứ hai, thứ ba và thứ tư sinh ra, trong bọn nổi lên những tay biện luận, miệng lưỡi khéo léo và đầu óc học nhiều biết rộng; họ giảng về vị anh hùng, làm sao ông đã chết để cứu người khác, nhưng họ không hề nhắc đến sợi thừng vắt ngang con sông, vì nay nó đã bị quên lãng hoàn toàn.Do đó những lời tranh luận, biện bác, chỉ dạy của họ làm nẩy sinh niềm hoang mang cực độ; và chót hết có nhiều mê tín dị đoan thành hình, giữa những nhà hùng biện với nhau lẫn giữa những ai lắng nghe họ, và chỉ có rất ít người có thể phân biệt chuyện điên rồ với chân lý.
Và có nhiều bất hòa sinh ra trong bọn, tới mức họ cãi lẫy và đánh nhau; về số ít người có thể nhận ra chân lý, những kẻ trước ngược đãi cùng bôi xấu họ, làm cho Đất Khổ lại khốn khổ  thêm vì có sầu não và rối ren hơn nữa.
Cuối cùng một nhóm các nhà hùng biện chỗi dậy kêu gào:
– Sao lại có đau khổ thế này ? Tất cả điều chúng ta cần chỉ là tôn thờ người anh hùng này như là thần linh, và tin rằng ông chết đế cứu người khác rồi xem kìa !khi tới phiên ta chết ta sẽ vào nơi gọi là Đất Lành không lôi thôi gì cả. Bởi tuy thân xác không thể băng qua dòng sông lúc ta còn sống, linh hồn sẽ băng qua nó khi ta chết đi. Hơn thế nữa, do lòng thương con người cùng với quyền năng và lòng anh hùng lớn lao quá đỗi của ông, trọn điều gì chúng ta hỏi xin Tinh Thần của ông chắc chắn sẽ được ưng thuận, nếu đổi lại ta tuôn tràn đủ tình thương tới ông.
Khi dân gian nghe vậy, họ cảm thấy tràn ngập một niềm hân hoan vô tả, và vinh danh các nhà hùng biện ấy, bảo rằng.
– Họ khôn ngoan biết mấy, vì họ đã chỉ cho ta con đường dễ dàng. Quả là giản dị việc chỉ tôn thờ, cầu nguyện và hỏi xin vị anh hùng cứu rỗi ta khi ta qua đời; vậy ta hãy ăn chơi rượu chè cho thỏa, vui hưởng hết mức trong lúc sống ở Đất Khổ này.
Nhưng trong lúc ấy tinh thần của vị anh hùng đó nhìn huynh đệ của mình với sự buồn rầu trong mắt khi lắng nghe lời cầu nguyện và van nài của họ. Và ông thì thầm vào tai họ.
– Hỡi các con, con đã sai lầm, vì quả thật ta đã sống để cứu rỗi con, và cái chết của ta chỉ là biến cố do nỗ lực của ta, mà không thể nào là nguyên do cho sự cứu chuộc loài người.
Tiếc thay con đã quên sợi thừng ta đặt ngang qua dòng sông ngăn giữa Đất Lành và Đất Khổ, bởi ta đến vì lý do ấy mà không vì lý do nào khác.
Và tuy rằng do tình thương của ta đối với các con, tinh thần ta ở gần con và sẽ an ủi cùng khích lệ con trong cơn hoạn nạn, nhưng ta không thể nào mang con sang bờ bên kia, cho dù con có thể van xin và khẩn nài thế mấy đi nữa.”
Dù vị anh hùng đó nói với họ như vậy, nhưng bởi họ đọc kinh cầu vang vang và nài nỉ lớn giọng quá nên chẳng nghe được giọng nói nhỏ nhẹ của tinh thần ông, khiến họ tiếp tục ở trong vùng Đất Khổ.
Đấng Rạng Rỡ mỉm cười nói.
– Dụ ngôn đã xong, và tên của nó là điều mê tín.
Và tôi thưa.
– Lạy Thầy, con có hiểu đúng dụ ngôn chăng và có đoán đúng ý nghĩa của nó, là ai xem việc không thiết yếu là thiết yếu và xử sự như vậy, thì quả thật là họ bị mê tín dị đoan ?
Và Ngài đáp.
– Hỡi con, con đã nói đúng. Hơn thế nữa, hãy biết rằng như Đấng Giác Ngộ (Đức Phật) đã nói từ rất xa xưa, ‘Mỗi người phải tự cứu lấy mình.’ Dầu vậy con có thể giúp huynh đệ con và khi giúp họ là con trợ lực cho ta. Bởi hãy biết rằng sự trợ giúp lớn lao nhất và tốt nhất trong mọi sự giúp đỡ, là điều gợi ý con người tự giúp chính mình.
Và tôi thưa lại với Ngài.
– Lạy Thầy, Thầy đến với nhân loại vì mục đích ấy mà họ không hiểu ?
Và Ngài đáp.
– Con lại nói đúng, vì quả là ta bị hiểu lầm, phải, ta đã bị hiểu lầm ngay từ thuở ban đầu, và sứ mạng của ta là chỉ đường cho nhân loại cũng bị hiểu sai. Và tuy bao đền thờ đã vinh danh ta, tên ta được ghi chép trong vô số sách vở, và con người đặt hình mà họ cho là hình của ta tại biết bao nơi chốn, mặc dù thế, chính những nước lớn tiếng là tin nơi ta đã không áp dụng con đường ta chỉ dạy.
Và ta lại còn bị diễn giải sai bởi chính những kẻ ghi chép lại đời ta, họ mô tả ta hay nổi cơn thịnh nộ vô lý, kiêu ngạo, huênh hoang tự cao quá độ, và nhiều chuyện không xứng khác. Nhưng cho dù gán cho ta bao điều bất thường ấy, tín đồ của ta lại muốn nâng ta tới bậc Thánh Thần, và cãi lẫy nhau về cách tôn thờ ta ra sao.
Tôn thờ ! Ta có hề đòi hỏi được thờ lạy hay tôn vinh, và muốn bao lời tán dương tuôn tràn đến tai ta chăng ? Quả thực, ta đến để chỉ con đường tới sự Bình An và tình huynh đệ, bằng cách giáo dục con tim và ý muốn thương yêu tất cả mọi sinh linh.
Để nhằm mục đích ấy, ta giảng cho các đệ tử và thế giới nói chung nhiều chỉ dạy và qui luật. Mà cho dù có lời khuyến cáo của ta, nhân loại đã diễn giải sai lầm những chỉ dạy đó, ngay cả xem chúng là cớ để làm bao chuyện xấu xa, như sinh lòng ghét bỏ, gây chiến, thiếu lòng nhân, khinh miệt, hay ít nhất đã không làm theo các chỉ dạy đó, bảo là chúng không thực tế và là tưởng tượng của kẻ mộng mơ.
Vì thế mà tín đồ tin vô lý rằng ta là ‘con một của Chúa Trời’ và là đại diện cho Thượng đế nơi cõi trần, mà cùng lúc nghi ngại lớn lao sự khôn ngoan của Ngài khi cho rằng Ngài giảng những Luật Trời và cách hành xử không thể nào theo được !
Nói giản dị thì các chân lý tinh thần mà ta rao giảng cho con người là để hướng dẫn họ đúng đắn cho có sự an toàn và bình an dưới thế; mà còn hơn thế nữa, vì tình thương của ta đối với họ, ta mong ước cho họ có Sự Sống và có dồi dào hơn, như ta đã nói khi xưa, có nghĩa  Sự Sống duy nhất là  Bản thể Thanh khiết, Trí Huệ, An Lạc.
Nhưng tiếc thay cho sứ mạng của ta, và tiếc cho bao hy vọng nồng nhiệt của ta. Và cũng tiếc thay cho những nước tuy nói rằng yêu quí ta, đã không giữ những lời răn của ta và do đó tự làm cho mình bị nạn.
Tin nơi ta mà không tin vào các huấn thị của ta ! Quả thực đó là niềm tin lạ lùng và nghịch lý !
Thế nên, hỡi con, vì con người đã hiểu lầm ta cùng mục tiêu của sứ mạng của ta, nên trong giờ phút nguy hiểm và khủng hoảng, lắm thử thách này (sách viết năm 1955), ta tìm cách gợi cho con người nhớ lại nhiều chuyện.
Nói xong, Đấng Rạng Rỡ cầm lấy tay tôi, dẫn tôi vào thành phố, và đi lại giữa nơi đó vô hình không ai thấy.

Để làm rõ nghĩa thêm ý Ngài, ta trích một đoạn khác trong sách về giáo điều.  Giáo hội Công giáo La Mã đặt nặng phần tín điều, luôn răn dạy tín đồ giữ vững niềm tin, nhưng Chân sư giảng:
– Tín điều là tội lỗi đối với trí tuệ con người, và chúng không hề do ta tạo ra … làm triết lý của ta bị chê trách.
Hãy biết rằng những gì ta nói về chính ta thì ta cũng hàm ý nói về tất cả mọi người mà không phải chỉ riêng về ta mà thôi. Dầu vậy, bởi không hiểu ý nghĩa huyền bí của nhiều lời ta thốt ra, đã có tín điều rằng ta là ‘con Một của Chúa Trời’, trong khi hiểu theo nghĩa huyền bí thì mọi người đều là con của Thượng đế, Đại Hồn.
Hơn thế nữa, đây là điều ta nói cùng ai tuy yêu quí ta nhưng cảm thấy hoang mang về chỉ dạy của ta: Ta rao giảng theo nhiều góc cạnh, để mỗi người có thể nhận được chân lý thích hợp nhất cho nhu cầu của tâm trí hay tình cảm họ, và con đường hợp  nhất cho họ để theo đuổi.
Do vậy, khi thì ta nói theo mặt nhị nguyên, khi khác theo mặt nhất nguyên; lời này không chỏi với lời kia khi sau cùng thấu đáo… Nhưng bởi không có hiểu biết ấy, con người hiểu theo nghĩa đen ngôn ngữ của thi ca và ẩn dụ, sinh ra kết quả là sự đối chọi, kỳ quặc và tín điều.

Theo:
The Vision of the Nazarene. Cyril Scott.